Bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ em
Oanh Nguyễn
Thứ Bảy,
12/10/2024
MỤC LỤC
1. Định nghĩa bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ em
1. Định nghĩa bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ em
Viêm phổi là tình trạng tổn thương viêm nhu mô phổi, có thể lan tỏa hai bên phổi hoặc tập trung ở một thùy phổi.
Vi khuẩn không điển hình (VKKĐH) là một trong các nhóm căn nguyên gây viêm phổi ở trẻ em. Loại vi khuẩn này có cấu trúc không có vách tế bào, chỉ có một màng bào tương mỏng xung quanh, không bắt màu khi nhuộm gram. Kháng sinh thông thường tác động lên vách tế bào không có tác dụng trên nhóm vi khuẩn này.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Các loại VKKĐH gây viêm phổi ở trẻ em:
- Mycoplasma pneumonia: gặp 7-20% các ca viêm phổi cộng đồng ở lứa tuổi 5-14.
- Chlamydia pneumonia: chiếm 1-2 % các ca viêm phổi cộng đồng ở trẻ lớn, bệnh thường nhẹ.
- Legionella pneumonia: ít gặp, chiếm 1% các ca viêm phổi cộng đồng, thường gặp trên trẻ có yếu tố nguy cơ như suy giảm miễn dịch, loạn sản phế quản phổi, hoặc dùng Corticoid kéo dài.
3. Chẩn đoán
3.1. Lâm sàng
- Triệu chứng cơ năng:
+ Khởi phát sốt nhẹ, âm ỉ, giai đoạn toàn phát có thể sốt cao, rét run, mệt mỏi.
+ Ho thường nổi bật, ho nhiều, ho khan thành cơn, sau ho có đờm.
+ Trẻ lớn có thể kèm đau ngực, đau cơ, ngứa họng, khàn tiếng.
+ Các triệu chứng khác: khò khè, khó thở thường gặp ở trẻ nhỏ
- Triệu chứng thực thể: nghe phổi có thể có rales ẩm, rales ngáy rít, hoặc không nghe thấy rales.
- Tổn thương ngoài phổi như: tổn thương màng phổi, phát ban ngoài da, rối loạn tiêu hóa, tổn thương tim mạch, thần kinh, viêm đa khớp v.v... có thể là dấu hiệu gợi ý viêm phổi do VKKĐH.
3.2. Cận lâm sàng
- Xquang: hình ảnh đa dạng, có thể gặp tổn thương lan tỏa, hình lưới, kẽ; mờ không đều lan tỏa; hoặc đám mờ tập trung; tràn dịch màng phổi ít gặp.
- Các xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên:
+ PCR, realtime PCR: độ nhạy và độ đặc hiệu cao
+ Xét nghiệm kháng thể IgM (antibody) thường tăng trong máu ngày thứ 7-9 sau nhiễm trùng, duy trì đỉnh cao gấp 4 lần sau 3-4 tuần.
+ Test bổ thể cố định (complement fixation test- CF test): cho kết quả kháng thể IgM và IgG sớm hơn (chủ yếu IgM).
+ Tìm kháng nguyên (Antigen): thông qua phản ứng miễn dịch gắn men kháng nguyên- kháng thể (antigen capture- enzyme immunoassay Ag- EIA).
+ Phương pháp nuôi cấy vi khuẩn trực tiếp: cho kết quả muộn sau 2-3 tuần, do đó thường ít được chỉ định.
- Các xét nghiệm khác:
- Xét nghiệm huyết học: số lượng bạch cầu không tăng hoặc tăng nhẹ, CRP thường tăng.
- Các xét nghiệm sinh hóa ít có biến đổi, khi có suy thở nặng, đo khí máu sẽ thấy pH có thể giảm, paCO2 tăng, paO2 giảm, SaO2 giảm.
3.3. Chẩn đoán xác định
- Chẩn đoán xác định viêm phổi theo tiêu chuẩn của Bộ Y Tế: ho, sốt, kèm theo thở nhanh theo lứa tuổi.
- Yếu tố dịch tễ: theo mùa, vùng dịch, lứa tuổi (3- 15 tuổi); biểu hiện lâm sang: diễn biến âm ỉ sau tăng dần, ho khan theo cơn, Xquang tổn thương kẽ hoặc đám mờ tập trung có giá trị gợi ý.
- Chẩn đoán xác định căn nguyên VKKĐH: tìm được bằng chứng đoạn AND của vi khuẩn (PCR) và/ hoặc xét nghiệm huyết thanh học kháng thể dương tính.
3.4. Phân loại thể bệnh
3.4.1. Viêm phổi nặng do vi khuẩn không điển hình
Chưa có thang điểm phân loại rõ mức độ viêm phổi do VKKĐH. Dựa vào thang điểm chẩn đoán viêm phổi nặng của hiệp hội truyền nhiễm Hoa Kỳ, chẩn đoán khi:
- Có 1 tiêu chuẩn chính trở lện:
+ Cần thông khí nhân tạo
+ Sốc nhiễm khuẩn
- Hoặc có 2 trong các dấu hiệu sau:
+ Rút lõm lồng ngực
+ Thở nhanh
+ Ngừng thở
+ Rối loan ý thức
+ Hạ huyết áp
+ Tràn dịch màng phổi
+ Sp02 < 90% thở khí trời
+ Tỷ lệ Pa02/Fi02 < 250
+ Thâm nhiễm nhiều thuỳ phổi
3.4.2. Viêm phổi do VKKĐH: không có dấu hiệu bệnh viêm phổi nặng
3.5. Chẩn đoán phân biệt
- Viêm phổi do vi khuẩn điển hình.
- Viêm phổi do virus.
4. Điều trị
4.1. Nguyên tắc điều trị
- Chống suy hô hấp.
- Cung cấp đủ nước và điện giải.
- Điều trị hỗ trợ: Hạ sốt, cung cấp đủ dinh dưỡng, calo theo nhu cầu.
- Điều trị nhiễm trùng bằng kháng sinh.
4.2. Điều trị kháng sinh
- Lựa chọn đầu tiên là kháng sinh nhóm Macrolide đường uống hoặc tĩnh mạch, lựa chọn một trong các kháng sinh sau:
+ Erythromycin: 30-50 mg/kg/ngày x 10 ngày- 14 ngày.
+ Azithromycin: 10 mg/kg/ ngày đầu, sau đó 5 mg/kg/ ngày x 4 ngày sau
+ Clarithromycin: 15 mg/kg/ngày chia 2 lần x 10-14 ngày
- Lựa chọn thay thế cho trẻ trên 8 tuổi: nhóm Tetracycline:
+ Tetracycline: 20-30 mg/kg/ngày chia 2 lần x 7- 10 ngày
+ Hoặc Doxycycline: 2-4 mg/kg/ngày chia 2 lần x 7- 10 ngày
- Bệnh nhân viêm phổi nặng do VKKĐH hoặc viêm phổi do VKKĐH thất bại với nhóm Macrolide (bệnh nhân không hết sốt sau 48h,và/ hoặc suy hô hấp nặng, và/ hoặc tổn thương phổi nặng).
+ Chuyển kháng sinh sang nhóm Quinolone với trẻ lớn: 20 mg/kg/ngày chia 2 lần ở trẻ < 5 tuổi; 10 mg/kgx 1 lần/ ngày ở trẻ trên 5 tuổi
+ Corticoid trong trường hợp có tổn thương ngoài phổi (xét nghiệm gợi ý LDH> 410 IU/ml, IL- 18 > 1000 pcg/ml): Methylprednisolon: 10 mg/kg/24 h TMC x 3 ngày
+ Gammaglobulin
+ Lọc máu, Ecmo
5. Phòng bệnh
- Phòng bệnh đặc hiệu: hiện chưa có vacxin phòng bệnh đặc hiệu.
- Phòng bệnh không đặc hiệu chủ yếu dựa vào chăm sóc đủ dinh dưỡng,tiêm chủng đủ theo lịch, tránh ô nhiễm môi trường, tránh nhiễm lạnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phác đồ điều trị viêm phổi không điển hình do vi khuẩn ở trẻ em. Bệnh viện Nhi Trung ương. Ban hành kèm theo quyết định số: 344/BVN – TCCB ngày 28/03/2013 của giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương
2. Manju Salaria, Assistant Professor, Post Graduate Institute of Medical Sciences and Research, Chandigarh 160 012, India. Atypical pneumonia in children. Indian Pediatrics 2002; 39:259-266
3. Naoyuki Miyashita, MD, PhD, et al . Management of refractory Mycoplasma pneumoniae pneumonia: Utility of measuring serum lactate dehydrogenase level. Journal of Infection and Chemotherapy. J Infect Chemother 20 (2014) 270-273.
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh trẻ em (cập nhật 2020)", BV Nhi Trung Ương
Anh chị có thể inbox Pan Happy hoặc liên hệ qua hotline zalo 0964821468 để được hướng dẫn dinh dưỡng cho mẹ và bé khỏe nha ạ.